(CMO) Thời gian qua, với sự phối hợp giữa các công đoàn cơ sở và LĐLĐ, đời sống công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước cải thiện. Nhưng những chuyển biến tích cực ấy chỉ dừng lại ở việc chăm lo đời sống vật chất. Các thiết chế văn hoá để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động.Ông Lâm Minh Phụng, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp, chế độ thụ hưởng về đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân chưa đáp ứng”.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 2.457 doanh nghiệp với 20.590 công nhân lao động (trong đó chỉ có 125 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở). Qua tình hình thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều không có các thiết chế văn hoá phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giao lưu, giải trí cho công nhân lao động. Nhiều công nhân còn phải thuê nhà trọ, các khu nhà trọ đều cũ và xuống cấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng đời sống văn hoá tinh thần của công nhân lao động còn hạn chế. Trong đó, đầu tiên nhất chính là một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm và đầu tư thoả đáng. Một số hoạt động nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân cũng chưa đa dạng, phong phú nên chưa thu hút được đông đảo lực lượng công nhân lao động tham gia. Chị Lê Cẩm Thuý, công nhân Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh toàn cầu (ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước), bộc bạch: “Công việc chính ở công ty là làm tôm, từ sáng đến tối, nghỉ trưa cũng hơn 1 tiếng, nói chung thời gian rảnh không nhiều. Công nhân cũng có nhu cầu sinh hoạt, giao lưu để giảm bớt mệt mỏi sau những giờ làm việc, nhưng điều kiện thực tế của công ty vẫn chưa đáp ứng được”. Không hơn trường hợp của chị Thuý, chị Ngô Thị Mỹ Thuận, công nhân Công ty Cổ phần Chế biến thuỷ sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex), chia sẻ: “Công nhân ở công ty đa phần có hoàn cảnh khó khăn, phải thuê nhà ở, đồng lương xoay xở trong nhà hằng tháng còn chật vật thì lấy đâu ra tiền dành cho những hoạt động giải trí nâng cao đời sống tinh thần. Điều kiện của công ty thì đâu có nhiều để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, sinh hoạt cho công nhân”. Việc quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân là một trong những quyền công nhân đáng được thụ hưởng để bù lại công sức lao động đã bỏ ra; điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của doanh nghiệp đối với lao động mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh tại các khu công nghiệp./. Kim Chi |