(CMO) Sau gần 3 tháng xuống giống, hiện nay, 36.125 ha lúa hè thu đang vào vụ thu hoạch rộ, năng suất đạt 4,5 tấn/ha. Dù giá lúa tăng nhưng nông dân vẫn lãi ít vì năng suất thấp.Nhiều nông dân cho biết, mới vào đầu vụ, giá lúa đang ở mức cao, thương lái đặt cọc các giống lúa OM 5451, OM 6162, OM 18 mua tại ruộng từ 4.700-5.200 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng so với vụ hè thu năm trước. Tuy giá lúa có tăng nhưng phần lớn nông dân thu lãi chưa tới 30% vì năng suất bình quân đạt thấp, tức khoảng từ 15-20 giạ/công. Nguyên nhân do năm nay nắng hạn cục bộ thường xuyên xảy ra ngay đầu vụ, đến khi cây lúa trổ rộ thì gặp mưa lớn kéo dài, dịch bệnh phức tạp, tiêu tốn nhiều chi phí.
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời Đặng Minh Sơn cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới năng suất lúa thấp. Ngay đầu vụ nắng nóng gay gắt làm nước trên ruộng bốc hơi nhanh nên có thời điểm không đáp ứng đủ nguồn nước cho cây lúa phát triển, từ đó phần nào làm cho cây lúa hạn chế nở bụi, thân cây nhỏ. Mặt khác, do khó giữ nước trên ruộng trong thời gian dài nên cỏ dại, lúa rài (lúa hai tầng) còn sót lại trong đất từ vụ mùa trước phát triển nhiều làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Ngoài ra, nhiều diện tích lúa trổ ngay đợt mưa nhiều, tỷ lệ lúa bị bệnh lem lép hạt khá nhiều, từ đó làm giảm năng suất lúa đáng kể. Cả cuộc đời sống và gắn bó với ruộng đồng, ông Nguyễn Văn Việt, Ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, nhớ lại: "Vụ lúa hè thu năm ngoái, máy cắt chạy đằng trước, nhìn lại đằng sau thấy lúa vô bao trắng đồng, còn năm nay thì xa xa mới có được 1-2 bao. Mấy hộ cặp ranh đất tôi đã cắt lúa xong bữa trước chỉ đạt năng suất 400-500 kg/công, giảm gần phân nửa so với cùng kỳ, nên ruộng của tôi chắc cũng không ngoại lệ. Khi lúa trúng thì cân bao lúa có ký lắm, có khi bao 2 giạ đạt từ 52-55 kg/bao (lúa tươi), còn khi lúa thất như vầy thì chưa được 45 kg/bao. Bởi vậy, khó thêm khó là như vậy”, ông Việt buồn bã cho hay. Chung hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Nhã, xã Khánh Bình Đông cũng vừa cắt xong gần 1 ha lúa hè thu cho biết, thời tiết nắng nóng gay gắt làm lúa chậm phát triển, trong khi nông dân cũng bón nhiều phân nhưng bị bốc hơi khá nhanh, làm lúa hấp thu không kịp. Ngoài ra, năm nay cũng là năm đầu tiên gần 1 ha ruộng của ông phải mướn người cắt lúa 2 tầng gần 5 ngày mới xong. Chỗ nào đất gò, lúa 2 tầng lên nhiều làm cho năng suất lúa của ông và một số hộ vừa thu hoạch xong chỉ dao động từ 450-550 kg/công, giảm gần một nửa so với vụ hè thu năm rồi. Ông Nhã chia sẻ: “Năm nay, giá thành sản xuất lúa cao hơn mọi năm do tốn nhiều chi phí. Chẳng hạn, tăng tiền bơm nước, rồi tăng thêm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Và nếu cộng thêm tiền lúa giống, mướn nhân công xịt thuốc, nhổ cỏ, cắt lúa 2 tầng, thu hoạch, kéo lúa bao... thì chi phí đầu tư vụ này khoảng 2 triệu đồng/công. Trong khi năng suất lúa đạt thấp, nông dân chỉ lời khoảng 500 ngàn đồng/công sau 3 tháng chăm sóc. Hộ nào có năng suất và giá bán thấp hơn thì chỉ huề vốn, thậm chí còn lỗ”. Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh cho biết, tuy năng suất vụ lúa hè thu năm nay có giảm so cùng kỳ, nhưng bù lại được giá, phần nào bù đắp lại khó khăn cho nông dân. Không còn chuyện giao thông cách trở, tư thương ép giá nông sản như trước đây. Ông Minh cho biết thêm, những năm gần đây tỉnh rất quan tâm việc đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, hệ thống giao thông cả đường thuỷ và đường bộ không ngừng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và giao thương, đời sống người dân không ngừng phát triển. Hiện nay, hầu hết các cống nằm trên trục lộ từ vàm Tắc Thủ đến Sông Đốc đều có đường kéo phục vụ việc lưu thông bằng đường thuỷ. Ngoài ra, các cống lớn, nơi người dân tập trung vận chuyển hàng hoá nhiều như cống Khánh Hội, Trùm Thuật, Rạch Ruộng đều được xây dựng các băng chuyền để vận chuyển hàng hoá nhanh và thuận lợi./. Trung Đỉnh |