Ban Thư ký APEC cũng đã báo cáo Hội nghị về kết quả triển khai hoạt động trong năm 2014.
Nhiều thành viên cho rằng ngày càng có nhiều thách thức đặt ra đối với phát triển và liên kết, do tăng trưởng kinh tế chậm lại, Vòng đàm phán Doha tiếp tục trì trệ, hòa bình và ổn định đang bị thách thức ở nhiều khu vực, và các thách thức toàn cầu gay gắt hơn.
Hội nghị nhất trí tăng cường sự đóng góp của APEC vào việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, cải cách kinh tế và tăng trưởng. APEC cần phát huy vai trò đi đầu thúc đẩy việc thực hiện các quyết định đạt được tại Bali (Indonesia), Chương trình hoạt động sau Bali, Hiệp định về công nghệ thông tin (ITA), chống chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức...
Để làm sâu rộng hợp tác APEC trong giai đoạn mới, hội nghị thỏa thuận đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các Mục tiêu Bogor về thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư, hỗ trợ các nền kinh tế thành viên cải cách kinh tế và duy trì tăng trưởng, đặc biệt trong nỗ lực hài hòa hóa chính sách, phát triển và kết nối chuỗi cung ứng, thúc đẩy các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác khoa học-kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề...
Các bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và nhất trí khuyến nghị lên các nhà Lãnh đạo APEC thông qua Lộ trình đóng góp của APEC hướng tới hình thành FTAAP.
Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung cùng tám văn kiện nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực sử dụng tiêu chuẩn số liệu toàn cầu, thương mại và đầu tư trong năng lượng sạch và tái tạo, hải quan, đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua đối tác công-tư, nâng cao năng lực thúc đẩy thương mại và đầu tư, hợp tác kinh tế mạng, hợp tác đại dương và chống tham nhũng. Hội nghị cũng đã ghi nhận kết quả của các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành được tổ chức trong năm 2014.
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC là hội nghị quan trọng, hoàn tất toàn bộ các công việc chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22 sẽ diễn ra trong các ngày 10 và 11/11 tới cũng tại thủ đô Bắc Kinh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh hợp tác và liên kết tiếp tục là xu thế chủ đạo, song tình hình quốc tế và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, cục diện quốc tế hiện nay vẫn đang trong giai đoạn định hình.
Dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 diễn ra ngày 8/11 tại Trung Quốc, Phó Thủ tướng đề nghị các nước thành viên APEC cần tiếp tục nỗ lực tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, đề cao trách nhiệm đối với các mối quan tâm và lợi ích chung, bảo đảm nguyên tắc cùng có lợi, quan tâm thỏa đáng nhu cầu phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, liên kết và phát triển của khu vực.
APEC cần tiếp tục đẩy mạnh tư duy mở về hợp tác và liên kết khu vực, phát huy vai trò trong xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, minh bạch, đáp ứng mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng cũng như lợi ích chính đáng của các nền kinh tế thành viên.
Trong thời gian tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc tiếp xúc song phương rộng rãi với Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên APEC để trao đổi về quan hệ song phương và tăng cường phối hợp tại Diễn đàn APEC cũng như các cơ chế hợp tác đa phương khác./.