Yêu cầu từ thị trường
Các chuyên gia dự báo, trong năm 2016, lĩnh vực tài chính- ngân hàng của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động từ thị trường như: Lạm phát thấp, giá dầu thô giảm mạnh, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến điều chỉnh lãi suất USD tăng thêm 1%, sự biến động của nền kinh tế Trung Quốc…
Nhận xét về tình hình ngành ngân hàng, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, bối cảnh kinh tế hội nhập hiện nay với mức độ tự do hóa dịch vụ tài chính- ngân hàng ngày càng cao, các TCTD vừa có cơ hội và cả thách thức khi phải mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm, lĩnh vực và quy mô kinh doanh, tìm kiếm đối tác mới. Bên cạnh đó, với chính sách tiền tệ mới mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2016, các TCTD sẽ có tác động tích cực nhưng cũng phải chịu thêm áp lực như khó huy động ngoại tệ, rủi ro tỷ giá khi năng lực dự báo chưa cao…
Trên thực tế, thị trường tài chính- ngân hàng trong năm 2015 đã đưa ra nhiều tín hiệu cho rằng, các TCTD của Việt Nam đã có nhiều đổi mới để thích ứng với những biến động của nền kinh tế vĩ mô trong nước nói riêng và quốc tế nói chung.
Theo kết quả tổng hợp cuộc điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các TCTD do Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) tiến hành, môi trường kinh doanh và kết quả hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng đã có sự cải thiện rõ rệt trong năm 2015. 81% TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của đơn vị mình đã “cải thiện” so với năm 2014, trong đó 34% TCTD đánh giá “cải thiện nhiều”. Trên cơ sở đó, các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục phục hồi bền vững trong quý I-2016 và 93% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể của năm 2016 sẽ tốt hơn so với năm 2015, trong đó có 32% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ được “cải thiện nhiều”.
Phải thích ứng
Nói về hoạt động của ngân hàng, ông Nguyễn Danh Lương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, trong thời gian qua, Vietcombank đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác, kinh doanh với các ngân hàng trên toàn thế giới, chủ động tham gia và đóng góp tích cực cho cộng đồng tài chính toàn cầu. Từng mảng hoạt động của Vietcombank được rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng. Vietcombank thực sự đã và đang chủ động tái cơ cấu để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế tài chính toàn cầu.
Cũng với những nỗ lực tương tự, trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2018, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đặt mục tiêu tích cực hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính ngân hàng khu vực và quốc tế, tăng trưởng tín dụng an toàn, bền vững, có hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp nông thôn, XK, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, DN ứng dụng công nghệ cao, trong đó chú trọng lộ trình thực hiện đến năm 2018 cơ bản đạt nền tảng của một “ngân hàng đạt chuẩn ASEAN”.
Cùng với các “ông lớn” trong ngành ngân hàng, nhiều ngân hàng từng bị đánh giá là yếu kém cũng đang phải nỗ lực để đổi mới. Mới đây nhất, ngày 19-1, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đã quyết định thay đổi toàn bộ bộ nhận diện thương hiệu mới. Bà Trần Thị Lệ Nga, Chủ tịch HĐTV cho biết, trong thời gian qua, GPBank đã đưa ra các giải pháp tối ưu trong công tác thu hồi nợ và lành mạnh hóa tài chính, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng quản trị điều hành, chất lượng quản trị rủi ro. Vì thế hình ảnh thương hiệu mới sẽ là cam kết để GPBank thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu, phát triển bền vững hơn.
Mặc dù có nhiều đổi mới, nhưng ngành ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cần các ngân hàng và tổ chức tín dụng phải vượt qua.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Lương cho hay, mặc dù Vietcombank là một trong số những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, tuy nhiên, nếu tính toán theo chuẩn mực quốc tế thì mức độ đủ vốn của Vietcombank còn khá khiêm tốn, đặt ra yêu cầu Vietcombank phải tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu trong những năm tới. Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới của Vietcombank mặc dù đã được mở rộng nhưng vẫn còn mỏng. Đặc biệt, mô thức quản trị ngân hàng nói chung và quản trị rủi ro nói riêng của Vietcombank dù được đánh giá là tiên tiến so với nhiều ngân hàng thương mại trong nước nhưng vẫn còn khoảng cách so với các ngân hàng thương mại ở các nước tiên tiến. Vietcombank đã bắt đầu triển khai Dự án Basel II nhằm xây dựng hệ thống đo lường đánh giá rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, tuy nhiên cần có thời gian và quá trình để việc triển khai mang lại hiệu quả tốt cho công tác quản trị của Vietcombank.
Nhìn chung, xu thế của năm 2016 cũng như các năm tiếp theo trong giai đoạn phát triển mới 2016-2020 không cho phép bất cứ ngân hàng nào có thể đứng ngoài cuộc, buộc các ngân hàng phải nỗ lực để mạnh lên, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng nhưng đầy khốc liệt.