Đạt nhiều kết quả quan trọng
Đến nay, nước ta đã tham gia hội nhập trên tất cả các cấp độ, từng bước tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu và chuỗi giá trị cung ứng, đưa hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế vào môi trường cạnh tranh toàn cầu. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đã đạt nhiều thành tựu to lớn.
Kết quả trên đạt được có phần đóng góp không nhỏ của ngành Tài chính trong hơn 30 năm đổi mới. Thứ nhất, thể chế tài chính ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thứ hai, chính sách động viên ngân sách nhà nước (NSNN) được hoàn thiện theo các mục tiêu, định hướng đề ra trong các Chiến lược tài chính và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó đã thu hút hiệu quả, động viên hợp lý, kịp thời các nguồn lực từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ xuất nhập khẩu và các nguồn lực từ tài nguyên, đất đai,...
|
Tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 23,4% GDP, trong đó tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 21,6% GDP (khá sát với mục tiêu 22 - 23%). So với giai đoạn 2006 - 2010, quy mô thu NSNN 5 năm 2011- 2015 tăng gấp 2 lần. Cơ cấu thu NSNN chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN.
Về huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội: Tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế tăng nhanh (tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2016 ước gấp 3,7 lần so với năm 2006, gấp 17 lần năm 1996). Kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ năm 1991 đến nay cho thấy công tác vận động, thu hút ODA, FDI của Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2016, tổng số vốn FDI đăng ký khoảng 341 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 155 tỷ USD, cao gấp hơn 2 lần so với năm 2006 và gấp 20 lần so với năm 1991.
Quy mô vốn đầu tư toàn xã hội không chỉ tăng nhanh mà cơ cấu đầu tư theo thành phần đã có sự dịch chuyển theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường. Sự giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước cùng với sự lớn mạnh của các thành phần kinh tế khác đã thể hiện sự phân bổ nguồn lực đã dần hướng tới thị trường.
Thứ ba, với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, hiệu quả sử dụng nguồn vốn từ NSNN đã có sự cải thiện: Chi tiêu NSNN được cơ cấu lại theo hướng xoá bao cấp trong chi ngân sách, tăng chi đầu tư phát triển, xoá đói, giảm nghèo, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế...; thu hút thêm nguồn lực của dân cư thông qua việc xã hội hoá một số mặt hoạt động kinh tế, xã hội, nhờ đó nhiều nhu cầu chi được đáp ứng tốt hơn.
Quy mô vốn đầu tư ở các vùng đều tăng; vùng nghèo, xã nghèo được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn. Vốn đầu tư từ NSNN đã tập trung cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ các vùng khó khăn. Công tác xoá đói, giảm nghèo đã được triển khai mạnh mẽ ở hầu hết các tỉnh bằng nhiều hình thức và biện pháp, nhất là ở các vùng nghèo, xã nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 41,6% năm 1993 xuống 14,2% năm 2010 và 5,8% đến 6% năm 2016.
Thứ tư, an ninh, an toàn tài chính quốc gia được đảm bảo; cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN; duy trì dư nợ chính phủ và nợ quốc gia trong giới hạn an toàn. Đặc biệt, trong thời gian qua, cơ cấu lại nợ trong nước được đẩy mạnh, trong đó tập trung phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Theo đó kỳ hạn phát hành từ 5 năm trở lên chiếm 91,1% tổng khối lượng phát hành, vượt yêu cầu đề ra theo nghị quyết Quốc hội là tối thiểu 70%; kỳ hạn bình quân trái phiếu là 8,77 năm (cao hơn 1,82 năm so năm 2015), nâng kỳ hạn bình quân của danh mục trái phiếu chính phủ cuối năm 2016 lên 5,71 năm, dài gấp 3 lần so với năm 2011.
Thứ năm, thị trường tài chính và dịch vụ tài chính ngày càng phát triển ổn định; quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán, bảo hiểm và sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được thực hiện đồng bộ. Thu hút vốn trên thị trường chứng khoán và bảo hiểm cũng ngày càng trở nên là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho phát triển kinh tế. Mức vốn hoá thị trường cổ phiếu hiện đạt khoảng 2,53 triệu tỷ đồng (ước đạt 56% GDP năm 2016) tăng 30% so với thời điểm cuối năm 2016. Đối với thị trường trái phiếu, dư nợ tương đương khoảng 30,09% GDP năm 2016.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát.
Về công tác quản lý giá, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện quản lý, điều hành đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu; điều chỉnh giá dịch vụ công (xăng dầu, sữa, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, cước vận tải...) theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, công tác hợp tác quốc tế và tài chính đối ngoại tiếp tục được tăng cường như hoạt động hợp tác tài chính khu vực, quốc tế như ASEAN, ASEM, APEC..., đàm phán nội dung thuế quan, dịch vụ tài chính nhằm hoàn tất quá trình ký kết hiệp định thương mại song phương và đa phương thế hệ mới FTA, TPP, góp phần đưa kinh tế, tài chính Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Mở rộng hiệu quả hệ thống an sinh xã hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Tài chính sau hơn 30 năm đổi mới vẫn còn nhiều hạn chế và đặt ra những thách thức cho giai đoạn tới. Để tiếp tục phát huy thành tựu, hạn chế các tiêu cực, đặc biệt là đảm bảo mục tiêu “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII đã thông qua, những giải pháp tài chính trong thời gian tới là cần từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư công, kể cả chi đầu tư từ NSNN. Đồng thời, ưu tiên tập trung vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật thiết yếu, hoặc các bộ phận, cấu thành của cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng không có khả năng thu hồi vốn hoặc mức độ thu hồi vốn thấp, rủi ro cao, dịch vụ công quan trọng, một số ngành sản xuất thiết yếu, then chốt, đóng vai trò chủ đạo và những lĩnh vực mà tư nhân không thể hoặc chưa thể thực hiện được.
Cơ cấu lại chi NSNN đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với chiến lược tăng trưởng xanh, đảm bảo quốc phòng, an ninh; thực hiện đúng cam kết về nghĩa vụ trả nợ; tăng cường dự phòng, dự trữ tài chính; dịch chuyển dần nguồn lực Nhà nước đầu tư cho con người.
Tái cấu trúc đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ NSNN. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá các dự án đầu tư và thực hiện công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng các dự án đầu tư bằng nguồn vốn NSNN. Đổi mới kế hoạch đầu tư nhiều năm, xem kế hoạch chi đầu tư là một cấu phần của kế hoạch tài chính - ngân sách trung hạn, đảm bảo chi đầu tư từ NSNN được giới hạn trong khả năng nguồn lực và thống nhất với các ưu tiên chính sách của Quốc hội và Chính phủ.
Chính sách phân phối và phân phối lại phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp, tạo động lực cho người lao động, doanh nghiệp và bảo đảm lợi ích quốc gia. Chú trọng phân phối lại qua phúc lợi xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế; bảo đảm đời sống, ít nhất là ở mức trung bình của xã hội, cho các đối tượng chính sách. Ðổi mới cơ chế phân bổ chi ngân sách cho phát triển xã hội, củng cố và mở rộng hiệu quả hệ thống an sinh xã hội.
Ts. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính