Ôi hương hoa cau,ươngnhớhàkết quả trận heidenheim cái hương hoa nồng nàn dịu ngọt bao giờ cũng gắn với mùa hè, mùa chim làm tổ, mùa thu hoạch bắp ngô, đậu phụng, khoai tía và cả những củ sắn trắng ngần thơm tho mùi lá dứa… Hương cau thuở ấy đi theo những đứa bé học trò với cặp sách đựng cơm mo cau bới theo ăn trưa những lúc phải ở lại học cả ngày. Huế xưa nhà nào cũng có trồng cau, cau trồng thành hai hàng trước ngõ nhà, ngõ xóm, quanh hàng rào, sau nương. Nổi tiếng nhất có làng cau Nam Phổ, “mỏng vỏ, nhỏ xơ, tơ lòng, trong ruột”; “Trầu chợ Dinh ăn với cau Nam Phổ/ Non vôi cũng bỏ, thiếu vỏ cũng ngon/ Hột thơm mà xác cũng giòn/ Được tiếng khen đà phải, dậy tiếng đồn không sai”- Ưng Bình Thúc Dạ Thị). Cau thôn Vỹ thì lừng danh trong câu thơ tuyệt tác của thi sỹ họ Hàn ai cũng thuộc “Sao anh không về chơi thôn Vỹ/Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. Trong “tốp ten” cau Huế, dân gian cũng nhắc đến cau Nguyệt Biều, Lương Quán, Hương Cần… và cau Kẻ Liệu, “Cau Kẻ Liệu, kiệu An Lưu”. Kẻ Liệu tức là Liễu Cốc, nay thuộc TX Hương Trà. Mùa hoa cau nở, cả một vùng mênh mông thoang thoảng mùi hương nồng say. Có câu đố về bông cau: “Đầu rồng đuôi phụng lê thê/ mùa đông ấp trứng, mùa hè nở con”. Người Huế gọi mùa hoa cau nở là mùa “cau lỗ”, xưa các chàng trai hay nghịch ngợm “cau anh lỗ sớm, cau nàng lỗ chưa?”. Hoa cau nở sớm nở muộn cũng tạc vào tâm khảm lo âu xã hội thời đó: “Mẹ già lo bảy lo ba/ lo cau lỗ muộn lo già hết duyên”. Qua mùa hoa cau đến mùa trái. Cau Huế có nhiều loại: cau lửa, cau ướt, cau mỡ… Ngon nhất là cau lửa, hò Huế có câu ca: “Trái cau lửa sao mà anh gọi là cau không nóng/Tóc dợn sóng sao mà sóng không trào/ Trai nam nhi mà đối đặng, gái má đào xin theo”. Rồi lại tùy theo từng thời kỳ trái chín mà có nhiều cái tên khác nhau: Cau non thì gọi là cau sưa. Cau vừa tầm chín ăn ngon thì gọi là cau dày, “Cau ngon khéo bửa cũng dày/Dẫu thương cho lắm, hồi này cũng xa”. Cau già thì đích xác gọi là cau tra. Rồi lại gọi cây cau có tật là cau biếc, gọi cau hư là cau bộng, gọi cau vừa lớn là cau tơ, cau già là cau lão, cau ở vườn là cau vườn, cau ở núi là cau núi… Cau trong đời sống Huế bàng bạc như nước, nồng nàn như lửa. Mo cau dùng bới cơm ra đồng ghém theo miếng mắm cà nưng nức, bới theo mo cơm học trò thường ghém gói muối mè muối đậu. Tàu cau còn hay dùng làm chiếc gàu múc nước. Rồi làm cái quạt mo nổi tiếng “Thằng Bờm có cái quạt mo”, “Quạt này mát lắm ai ơi, quạt rồi để lại chớ đem về nhà”… “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, chuyện đối nội đối ngoại phải có miếng cau trầu làm tin. Trái cau thường bổ sáu miếng để mời khách, nhưng khách quý thì chỉ bổ ba miếng “Thương nhau cau sáu bửa ba/ ghét nhau cau sáu bửa ra làm mười”. Cau trầu rượu thuốc là nhắc chuyện mỗi khi nhà có khách hoặc khi nhà có kỵ giỗ, bàn thờ phải có các món quan trọng, bắt buộc để mời ông bà tổ tiên: trái cau, lá trầu, chai rượu, gói thuốc… Lẩn thẩn buổi sáng đồng quê nhớ chuyện xưa với hàng cau với bao nhiêu cái tên lúc lắc đi kèm. Lại nhớ hai hàng cau trước xóm mọc đều tăm tắp. Mùa hè, khi buổi sáng hương cau thoảng xuống con đường, cũng là lúc những đôi chim cu tha sợi bòng bong làm tổ. Để rồi từ sau đó, cứ mỗi hoàng hôn, tiếng cu gù bên rặng tre ngoài sông cứ vẳng vào, bồi hồi, xao xuyến, bồng bềnh theo ai cho đến tận bây giờ. Dẫu bây giờ hàng cau đó, cả lũy tre nữa cũng chỉ còn trong ký ức, nhưng tiếng chim cu gù thì cứ vọng mãi. Như thể cái âm thanh đó đã neo đậu cùng hương hoa cau, hòa vào trong nắng hạ, để thi thoảng đồng vọng từ cao vọi thinh không… Hồ Đăng Thanh Ngọc |