Những năm qua, rất nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Trần Văn Thời mang lại hiệu quả tích cực, nhiều hộ nhờ đó vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.
Những năm qua, rất nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Trần Văn Thời mang lại hiệu quả tích cực, nhiều hộ nhờ đó vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.
Gia đình anh Thạch Nhân, ở ấp 7, xã Khánh Bình Ðông có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 công đất ruộng là nguồn thu nhập chính, năm trúng, năm thất, đời sống rất bấp bênh. Ðến năm 2010, nhờ được vay 13 triệu đồng từ Quyết định 74/2008/QÐ-CP của Chính phủ, anh Nhân bắt đầu sên vét ao nuôi cá, sắm xuồng máy hằng ngày đi mua bán, nhờ vậy kinh tế gia đình bắt đầu phát triển, thu nhập ổn định. “Trước đây tôi muốn làm nhưng đâu có vốn mà làm. Ðược Nhà nước hỗ trợ vốn, tôi bắt đầu nuôi cá, mua bán nhỏ. Có thêm vốn, tôi tiếp tục mở rộng sản xuất”, anh Thạch Nhân bộc bạch.
Hộ chị Huỳnh Thị Na (dân tộc Khmer), ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, nhờ phát huy được hiệu quả đồng vốn vay nên đã thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Ảnh: HỒNG NHUNG |
Khó khăn chung của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Khánh Bình Ðông đã qua hầu hết là bà con thiếu vốn sản xuất hoặc không thể tự chuyển đổi ngành nghề hay tự học nghề. Chính vì vậy, khi được hỗ trợ vốn, bà con đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ phù hợp với điều kiện kinh tế ở địa phương, mang lại hiệu quả cao. Ông Thạch Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Ðông, phấn khởi: “Năm 2010, xã có 133 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ được tiếp nhận nguồn vốn và được tập huấn kỹ thuật sản xuất, bà con rất hăng say và yên tâm lao động. Ðến nay, đã có 84 hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống”.
Tuy nhiên, bên cạnh vẫn còn một số nơi chưa phát huy được hiệu quả đồng vốn, nhất là các hộ ở khu định cư Xẻo Quao. Năm 2001, anh Nguyễn Văn Phúc, chị Dum Ngọc Thơm, ở khóm 6B, thị trấn Sông Ðốc nên duyên vợ chồng trong cảnh không tấc đất cắm dùi, không nghề nghiệp căn cơ, sống bám vào rừng phòng hộ ven biển Tây. Ngày ngày vợ chồng giăng lưới, chặt cây rừng đắp đổi. 4 năm sau ngày cưới, gia đình được Nhà nước đưa vào sống trong khu định cư Xẻo Quao. Vì không nghề nghiệp, cuộc sống gia đình bấp bênh.
Khi 2 đứa con lần lượt chào đời thì cuộc sống càng khổ hơn. Anh Phúc đi làm ngư phủ, nhưng thu nhập thất thường. Chị Thơm ở nhà nội trợ, chăm sóc 2 đứa con, thêm cha chồng già yếu, bệnh tật và người em chồng chưa có việc làm. Năm 2010, gia đình được Chương trình 74 cho vay 13 triệu đồng. Vay vốn hỗ trợ sản xuất, nhưng ngặt nỗi tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, 2 vợ chồng phải sử dụng số tiền vay được vào việc cấp thiết trước mắt là sửa lại căn nhà đang xuống cấp trầm trọng để có chỗ che mưa che nắng. Cái nghèo vẫn đeo bám họ.
Hộ ông Lý Văn Viên, 64 tuổi, ở khu định cư Xẻo Quao, cũng tương tự. Ông Viên có đến 7 người con, cả gia đình làm mướn kiếm sống qua ngày, đời sống thiếu trước hụt sau. Vì vậy, khi vay được đồng vốn từ Chương trình 74, họ không dùng để sản xuất mà trang trải khó khăn trước mắt.
Nhìn chung, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần giúp bà con đồng bào dân tộc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Văn Thời giảm đáng kể. Cụ thể, từ năm 2012-2014, có 293/433 hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, ngoài sự quyết tâm, phấn đấu vươn lên của bà con, thì các ngành chức năng nên có những giải pháp đồng bộ, linh hoạt hơn nữa để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Chẳng hạn, cần xem xét những khó khăn cụ thể của từng đối tượng và có giải pháp hỗ trợ phù hợp; quản lý, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích…
Ðể làm được điều đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc có tâm huyết, cùng với đó là phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc nhằm phản ánh kịp thời những tâm tư nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của bà con đến với Ðảng và Nhà nước, có như vậy mới góp phần đưa các chính sách dân tộc ngày càng phát huy hiệu quả, một trong số đó là cải thiện đời sống kinh tế của bà con đồng bào dân tộc thiểu số./.
Kiều Oanh