Đến lúc thay đổi chính sách Với sự phát triển của thương mại điện tử cho đến nay lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ thì có khối lượng ngày càng lớn. Theo số liệu thống kê, hàng ngày có khoảng từ 4 đến 5 triệu đơn hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Trung bình mỗi đơn hàng khoảng 200.000 đồng thì tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu loại hình này có thể lên đến khoảng 800 tỷ đồng/ngày, gần 300 nghìn tỷ đồng/năm, thậm chí nhiều hơn và tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Điều quan trọng là, vì những lô hàng này có giá trị nhỏ nên cơ bản đang được miễn thuế. Từ số liệu nêu trên và tùy theo loại hàng hóa và mức thuế suất áp dụng, ước tính số thuế được miễn rơi vào khoảng hơn 50 nghìn tỷ đồng. Có thể thấy, từng đơn hàng giá trị có thể nhỏ nhưng tổng lượng hàng hóa nhập khẩu theo hình thức này đã, đang và sẽ tiếp tục chiếm một khối lượng rất lớn, nếu miễn thuế sẽ dẫn đến việc không thu được một số thuế khá lớn và chưa kể còn có thể dẫn đến tình trạng xé nhỏ giá trị đơn hàng để tránh thuế. Trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét lại quy định này cho phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế cũng như thực tế tại Việt Nam nhằm đảm bảo điều tiết vĩ mô, tạo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh, tránh thất thu ngân sách nhà nước nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo sự thuận tiện cho người nộp thuế và tiết giảm chi phí xã hội, nâng hiệu quả kinh tế. Tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đề nghị không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, đề nghị quy định rõ trong Nghị quyết chung của Kỳ họp lần thứ 8 của Quốc hội về việc chấm dứt Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Có chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc thu thuế trở lại đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng là phù hợp, khi mà số lượng của các loại hàng hóa đó rất lớn trên thị trường. Qua đó, giúp hàng hóa trong nước được cạnh tranh bình đẳng hơn với hàng hóa nhập khẩu. Khi thu thuế cũng cần có những chính sách đi kèm về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ và cả chất lượng của các hàng hóa bởi thực tế hiện nay đã có tình trạng hàng hóa nhập khẩu chất lượng kém, không đúng xuất xứ so với thông tin quảng cáo, hay thậm chí hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam, lấy tên, nhãn mác của hàng Việt Nam để bán ở thị trường Việt Nam, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, giá trị của sản phẩm trong nước. Do đó, lợi ích của việc thu thuế là vừa đảm bảo việc quản lý nhà nước, vừa an toàn, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng. Sẽ có nghị định quản lý riêng Không chỉ về thuế, ở khía cạnh khác, việc không chịu thuế sẽ giúp hàng hóa nhập khẩu có giá rẻ hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước và đồng thời do không phải tính thuế nên việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa này cũng sẽ nhanh hơn và có tính cạnh tranh cao hơn.
Gần đây một số quốc gia bắt đầu nghiên cứu và thực hiện việc thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa có trị giá thấp. Chẳng hạn, tại EU, từ 1/7/2021 thực hiện thu thuế giá trị gia tăng đối với các lô hàng từ 22 euro trở xuống (trước đây các lô hàng này được miễn thuế); tại Singapore từ 1/1/2023 bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa trị giá thấp. Ngoài ra, tại các cuộc hội thảo, chuyên gia dự án tạo thuận lợi thương mại (TFP) cũng khuyến cáo Việt Nam cân nhắc quy định không phải nộp thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp. Do đó, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ đề nghị bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg. Việc này cũng đồng nhất với ý kiến các đại biểu Quốc hội đã nêu. Hơn thế nữa, thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử. Tùy từng trường hợp, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được gửi về Việt Nam được thực hiện thủ tục hải quan theo các loại hình khác nhau của cơ quan hải quan. Do đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý đối với loại hình giao dịch thương mại điện tử, Tổng cục Hải quan hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành. Trong đó, dự thảo Nghị định có một số nội dung cụ thể như: Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý về chính sách thương mại điện tử, chính sách mặt hàng, thanh toán đối với giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển đảm bảo sự vận hành thông suốt giữa người mua, sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo được việc quản lý của các cơ quan nhà nước; xây dựng một hệ thống để kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro đối với các đối tượng có tham gia vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử. Theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), sau khi có hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ cho việc quản lý các hoạt động mua bán, giao dịch trên sàn, khi đó Nghị định này sẽ được ban hành và chính thức đi vào cuộc sống. Nhận xét về dự thảo Nghị định, ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, rất cần thông tin để quản lý hải quan tập trung, gồm cả thông tin người bán, người mua, hàng hóa, thành phẩm có liên quan. Qua đó, giúp tất cả những người tham gia trong chuỗi cung ứng và cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia, theo dõi để đồng bộ các chính sách, thủ tục. Nhờ vậy, công tác khai báo hải quan điện tử, kê khai thuế, theo dõi thanh toán thuận lợi hơn và phòng, chống trục lợi, gian lận cũng như thực thi Luật Sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn.
|