Trả lời Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) về tình trạng có hay không vỡ quy hoạch điện mặt trời trong Quy hoạch điện VII, khi quy hoạch năm 2020 đặt mục tiêu là 850 MW và 1200 MW tới 2030 nhưng do phát triển quá nóng, công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu, với 121 dự án được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận là có tình trạng này. Trả lời sau đó, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2017 đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời. Nhưng Bộ trưởng không đồng tình với nhận định giá điện mặt trời 9,35 cent một kWh trong 20 năm là quá cao. "Quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent một kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30/6/2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tưphát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Tư lệnh ngành Công Thương cho biết mức giá này trên cơ sở phối hợp với tư vấn quốc tế và thực tiễn Việt Nam. "Khi ban hành Quyết định 11 cũng đối mặt nguy cơ lớn thiếu điện 2019-2020 nên điện mặt trời là nguồn năng lượng bổ sung đáng kể", ông chia sẻ. Và thực tế tới 30/6 - khi Quyết định 11 hết hiệu lực đã có gần 4.900 MW vận hành, góp phần lớn bổ sung vào nguồn điện năm 2019. Ông Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực khiến các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất, ở mức 30-40%. Trong khi khó khăn là Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đảm bảo. "Từ cuối năm 2018 Bộ Công Thường đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung thêm 15 đường dây 110kV, 220 kV... nhưng cũng không triển khai kịp", Bộ trưởng nói và thông tin, dự kiến năm 2020 sẽ có thêm nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng khi có thể giao tư nhân đầu tư đường dây 500 kV. Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay, các dự án điện mặt trời được đề xuất đã lên đến gần 33.000 MW (trong đó đã được bổ sung quy hoạch khoảng 10.300MW). Nhưng đây cũng là loại hình nguồn điện có tính bất định cao, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và chỉ phát điện khoảng 20% số giờ trong năm.Việc phát triển nóng các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt thời gian xây dựng các dự án điện mặt trời rất nhanh, chỉ khoảng 6-12 tháng và tập trung chủ yếu tại một số tỉnh có tiềm năng như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk,... đang gây áp lực lớn lên hệ thống điện truyền tải (do lưới điện truyền tải không thể xây dựng đồng bộ vì thời gian đầu tư lưới điện 220 kV tối thiểu 3 năm, lưới 500 kV từ 4-5 năm). Các dự án lưới điện giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng mặt trời đã được Bộ Công Thương đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh bổ sung quy hoạch tại Văn bản số 1891/TTg-CN ngày 27 tháng 12 năm 2018. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng nhà máy điện mặt trời nhanh hơn nhiều so với thời gian xây dựng các dự án lưới điện truyền tải, nên dẫn đến quá tải lưới điện hiện có, tình trạng này đã nhìn thấy trước. Trong quá trình phát triển dự án năng lượng tái tạo và đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN, các nhà đầu tư đã được biết khả năng giảm phát các dự án năng lượng tái tạo khi quá tải lưới điện. Với vai trò "tư lệnh" ngành, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế như WB, USAID, GIZ... nghiên cứu cơ chế phát triển năng lượng tái tạo dự kiến áp dụng sau năm 2021. "Theo cơ chế này, các nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu thầu. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án năng lượng tái tạo thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án năng lượng tái tạo và lưới truyền tải", Bộ trưởng nhấn mạnh. |