Điều này đồng nghĩa đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai với phần lớn các nền kinh tế đang phải trải qua sự sụt giảm sản lượng bình quân trên đầu người kể từ năm 1870. Báo cáo của WB cũng dự báo hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 7% vào năm 2020 do cung cầu, thương mại và tài chính trong nước đã bị gián đoạn nghiêm trọng. Các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) dự kiến sẽ giảm 2,5% trong năm nay, sự sụt giảm lần đầu tiên của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ giảm 3,6% và điều này sẽ khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực trong năm nay. Các quốc gia nơi mà đại dịch xảy ra nghiêm trọng nhất và những nước phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu, du lịch, xuất khẩu hàng hóa và tài chính bên ngoài sẽ bị tác động nặng nề nhất. Mặc dù mức độ sự gián đoạn sẽ khác nhau theo từng khu vực, song tất cả EMDE đều bị tổn thương và tổn thương này còn nghiêm trọng hơn do các cú sốc từ bên ngoài. Hơn nữa, sự gián đoạn trong việc học tập, tiếp cận chăm sóc sức khỏe ban đầu có thể có tác động lâu dài đến sự phát triển vốn nhân lực. Theo bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch Khối Tăng trưởng Bình đẳng, Tài chính và Định chế của WB, đây là triển vọng đáng quan ngại với cuộc khủng hoảng có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài và đặt ra những thách thức lớn trên toàn cầu. Bà nhấn mạnh điều quan trọng đầu tiên là cần giải quyết tình trạng khẩn cấp về kinh tế và sức khỏe toàn cầu. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế phải đoàn kết nhằm tìm ra biện pháp để gây dựng lại sự phục hồi mạnh mẽ nhất có thể để ngăn chặn nhiều người rơi vào tình trạng đói nghèo và thất nghiệp. Theo dự báo, khi đại dịch bị đẩy lùi và các biện pháp hạn chế trong nước được dỡ bỏ ở các nền kinh tế phát triển vào giữa năm nay và sau đó ở EMDE, tác động tiêu cực toàn cầu sẽ giảm trong sáu tháng cuối năm và sự hỗn loạn trong thị trường tài chính không kéo dài, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ tăng trở lại mức 4,2% vào năm 2021 khi các nền kinh tế phát triển tăng 3,9% và EMDE tăng trở lại 4,6%. Tuy nhiên, triển vọng trên rất không chắc chắn bởi có nhiều rủi ro, trong đó có khả năng đại dịch kéo dài hơn, biến động tài chính và sự rút lui khỏi các mối liên kết thương mại và cung ứng toàn cầu. Và kịch bản ngược lại có thể dẫn tới nền kinh tế toàn cầu giảm tới 8% trong năm nay, sau đó là sự phục hồi chậm 1% vào năm 2021 với sản lượng của EMDE giảm gần 5% trong năm nay. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo sẽ điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới dự kiến công bố vào ngày 24/6 tới. Phát biểu với báo giới tại một cuộc họp trực tuyến, Phó Tổng giám đốc điều hành IMF Geoffrey Okamoto cho hay tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1/2020 của hầu hết các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều ghi nhận sự sụt giảm, cùng với những chỉ dấu quan trọng trong tháng 4 và tháng 5 phản ánh tình trạng gián đoạn nghiêm trọng trong quý 2/2020. Một số nước cũng đã gặp khó khăn trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19, nguyên nhân làm ảnh hưởng đế triển vọng kinh tế đất nước. Trong khi đó, Trung Quốc dường như nằm ngoài xu thế này. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất được công bố hồi tháng 4/2020, IMF dự báo tăng trưởng ở khu vực châu Á sẽ chững lại ở mức 0% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mức tăng thấp nhất kể từ những năm 1960. Theo báo cáo này, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng vừa phải ở mức 1,2%. |