Mặc dù vậy, để tiếp tục nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong công tác quản lý NSNN, Luật NSNN năm 2015 đã cụ thể hóa các yêu cầu này, phù hợp thông lệ quốc tế cũng như để người dân có thể giám sát kỹ hơn trong quản lý, sử dụng NSNN.
Tổ chức quốc tế đánh giá cao tính minh bạch quản lý NS của Việt Nam
Những năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường công tác công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý NSNN từ việc xây dựng quy trình NS minh bạch, rõ ràng; xây dựng hệ thống định mức phân bổ NS và các định mức chi tiêu công khai, minh bạch; công khai và lấy ý kiến rộng rãi về các văn bản luật, các chế độ, chính sách lớn có tác động đến đông đảo người dân; công khai các số liệu, tài liệu liên quan đến dự toán và quyết toán NSNN; công khai các báo cáo kiểm toán, kết luận thanh tra đối với việc quản lý, sử dụng NSNN.
Việc thực hiện công khai NS hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật NSNN hiện hành, và Quyết định số 192/2004/QĐ-BTC ngày 16/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy chế công khai tài chính và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về công khai tài chính – ngân sách. Theo đó, hàng năm, Bộ Tài chính đã thực hiện công khai số liệu dự toán và quyết toán NSNN đã được Quốc hội quyết định, phê chuẩn. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn tổng hợp số liệu công khai dự toán, quyết toán NS đã được HĐND cấp tỉnh quyết định, phê chuẩn. Số liệu này được phát hành ấn phẩm và đưa lên trang Thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Việc quản lý và điều hành NSNN của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các tổ chức quốc tế lớn. Đơn cử, “Báo cáo hướng tới minh bạch tài khóa Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2014 đã đánh giá “Việt Nam đã tiến được một bước dài trong việc cải thiện minh bạch về chính sách tài khóa và NSNN”. Bên cạnh đó, Báo cáo đánh giá hệ thống quản lý tài chính công (PEFA) được thực hiện năm 2013 cũng đánh giá chỉ số công khai minh bạch NS của Việt Nam được cải thiện nhiều.
Người dân giám sát công tác quản lý NS từ khâu lập dự toán
Bộ Tài chính cho biết, Luật NSNN được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015 (Luật NSNN năm 2015), có hiệu lực thi hành từ năm NS 2017 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng với mục tiêu là nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong công tác quản lý NSNN; kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu, chi NS; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính - NSNN bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Theo đó, các quy định về công khai minh bạch NS đã có những sửa đổi, bổ sung rõ ràng, minh bạch hơn.
Cụ thể, về đối tượng công khai là các cấp NSNN, các đơn vị dự toán NS, các tổ chức được NSNN hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn NSNN, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ NSNN... phải thực hiện công khai số liệu thu - chi NS. Đồng thời, bổ sung quy định về công khai các thủ tục NSNN bao gồm: Quy trình, thủ tục kê khai, thu, nộp, miễn giảm, gia hạn, hoàn lại các khoản thu; tạm ứng, cấp phát, thanh toán NSNN đối với cơ quan thu, cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước.
Về nội dung công khai, theo Bộ Tài chính, Luật bổ sung quy định yêu cầu công khai dự thảo dự toán NS trình Quốc hội và HĐND các cấp, qua đó tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức xã hội giám sát công tác quản lý NS từ khâu lập dự toán, bố trí NS cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Với việc công khai này giúp cho công tác công khai minh bạch NS phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là Chỉ số NS mở (OBI) của Tổ chức Quan hệ đối tác NS quốc tế IBP, yêu cầu cao việc công khai NS từ khâu dự thảo NS trình Quốc hội và HĐND các cấp.
Ngoài ra, công khai tình hình thực hiện dự toán NS, cùng với báo cáo thuyết minh, giải trình NS. Điều này giúp cho việc theo dõi thông tin công khai được liên tục từ khâu lập dự toán, thực hiện dự toán và quyết toán NS; đồng thời, các báo cáo thuyết minh về dự toán, thực hiện dự toán và quyết toán NS đi kèm với số liệu công khai NS, giúp cho việc công khai gắn với minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị trong quản lý và sử dụng NSNN. Bên cạnh đó, cũng công khai kết quả thực hiện các kiến nghị của cơ quan kiểm toán, giúp tăng cường giám sát của người dân đối với việc thực hiện các khuyến nghị, kết luận của cơ quan kiểm toán nhà nước.
Cũng theo Bộ Tài chính, về thời gian công khai NS cũng đã được rút ngắn so với quy định hiện hành. Việc giám sát NSNN của cộng đồng, cũng được bổ sung mới quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát NSNN của cộng đồng. Cụ thể, việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng NSNN; tình hình thực hiện dự toán NSNN hàng năm; việc thực hiện công khai NSNN theo quy định của Luật NSNN.
Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật NSNN, trong đó quy định hệ thống biểu mẫu, thông tin công khai ngân sách phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo yêu cầu đơn giản, dễ hiểu và cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin, số liệu trong quá trình lập, chấp hành và quyết toán NSNN để mọi tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, kiểm tra và giám sát việc quản lý NSNN.
Kể từ năm 2006, nhằm tăng cường công khai minh bạch trong quản lý tài chính công về kết quả hoạt động quản lý ngân sách của Chính phủ gắn với thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm, hàng năm Bộ Tài chính công khai báo cáo đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm hiện hành và dự toán NSNN cho năm sau, gắn với thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội của quốc gia. Nội dung này cũng được phát hành ấn phẩm và đưa lên trang Thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Tình hình nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia cũng được báo cáo tại các kỳ họp của Quốc hội, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, định kỳ phát hành ấn phẩm và đưa lên trang Thông tin điện tử của Bộ Tài chính. |
H.M