Toyota Vios là mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt 2015 |
Theo báo cáo của VAMA, tổng doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam đạt 244.914 xe, tăng 55% so với cùng kỳ 2014. Trong đó xe con 143.392 chiếc, xe thương mại 89.327 chiếc và xe chuyên dụng 12.195, đánh dấu một cột mốc mới, thị trường ôtô Việt vượt quá 200.000 xe/năm. Cả ba loại xe đều có tốc độ tăng trưởng cao so với năm ngoái, lần lượt xe con 44%, xe thương mại 74% và xe chuyên dụng 105%.
Đà tăng trưởng so với những năm trước được các hãng dự đoán từ đầu năm, tuy nhiên mức tăng vượt bậc lại không nhiều hãng nghĩ tới. Hầu hết các ông lớn trên thị trường như Toyota, Thaco, Ford hay hãng xe sang Mercedes đều ghi nhận những con số kỷ lục kể từ khi có mặt tại Việt Nam.
Ở top đầu, cuộc cạnh tranh giữa Toyota và Thaco thêm khốc liệt. Toyota với lợi thế thương hiệu "người khổng lồ" nhiều năm qua bán được kỷ lục 51.246 xe trong đó Toyota 50.285 xe và Lexus 961 xe, tăng 24,4% so với cùng kỳ 2014. Nếu không tính Hiace, tổng số xe con của Toyota bán ra 2015 là 49.778. Riêng Lexus, doanh số tăng hơn 600 so với năm ngoái.
Đối thủ Thaco không ngừng tăng tốc. Nếu như 2014 hãng tập trung vào thương hiệu Kia thì 2015 nguồn lực dồn sang cho Mazda, bên cạnh phát triển Peugeot. Kết thúc 2015, doanh số của Thaco là 80.421 xe, tăng 90% so với cùng kỳ 2014, giữ vị trí hãng xe bán nhiều nhất tại Việt Nam.
Nếu chỉ xét riêng các dòng xe con Kia, Mazda và Peugeot, doanh số là 42.231 xe, tăng 100% so với năm ngoái. Con số này vẫn kém doanh số xe con của Toyota khoảng 7.000 xe, tuy nhiên mức độ tăng trưởng từng thương hiệu riêng cho thấy, nếu cứ giữ đà này, rất có thể Thaco sẽ vượt Toyota ở dòng xe con trong 1-2 năm tới.
Ở từng thương hiệu cụ thể, Kia tăng trưởng 100% với những sản phẩm bán chạy nhất là Morning, K3, Rio. Đặc biệt Rio tăng tới 500% so với cùng kỳ năm trước. Mazda tăng 116%, những con át chủ bài gồm Mazda3, CX-5 hay chiếc bán tải BT-50. Thương hiệu xe Pháp Peugeot đạt 544 xe, cũng gấp tới 4 lần so với 2014.
Tăng trưởng kỷ lục không chỉ đến ở các hãng Nhật hay Hàn mà còn cả người Mỹ. Ford Việt Nam cho biết, năm 2015 hãng bán 20.740 xe, tăng 48% so với 2014, đây là mốc cao nhất mà doanh số của Ford chạm tới sau 20 năm có mặt tại Việt Nam. Transit, Ranger và EcoSport là 3 mẫu xe chủ lực đóng góp phần lớn doanh số cho hãng xe Mỹ.
Theo các chuyên gia trong ngành, tất cả các hãng đều đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh ngang nhau, không có lợi thế rõ rệt dành cho thương hiệu nào, bởi lẽ quan niệm và nhu cầu về xe hơi của khách hàng đang dần chuyển dịch. Độ tuổi trung bình của khách mua ôtô đang giảm nhanh, gu của người trẻ cũng ưa sự mới mẻ, công nghệ và năng động, do đó hãng nào có những sản phẩm đánh trúng nhu cầu, hãng đó được lợi.
Kinh tế tăng trưởng, lãi suất mua xe dễ chịu hơn cùng đa dạng hóa sản phẩm là những nguyên nhân dẫn tới một năm tăng trưởng nóng của thị trường ôtô. Nắm bắt nhu cầu mua xe cỡ nhỏ giá rẻ của phần đông khách hàng, các hãng xe tập trung đánh mạnh vào phân khúc A, B như Kia Morning, Hyundai Grand i10, Toyota Vios, Honda City.
Bên cạnh đó, sự đa dụng của bán tải cùng mức thuế, phí ưu đãi khiến dòng xe này tăng trưởng nhanh. Tổng doanh số năm 2015 của 6 mẫu bán tải thuộc VAMA (Chevrolet Colorado, Mitsubishi Triton, Toyota Hilux, Ford Ranger, Mazda BT-50 và Isuzu D-Max) là 16.670 xe, trong khi năm 2014 chỉ là 9.599 xe, tức tăng tới 73,7%. Ford Ranger vẫn là mẫu xe đứng đầu phân khúc với 8.685, bỏ xa đối thủ về nhì Mazda BT-50 với 4.328.
Mercedes C-class tăng trưởng tới 256% |
Không chỉ dòng xe phổ thông, phân khúc xe sang cũng chốt sổ với những kết quả tươi sáng. Mercedes đạt doanh số 3.600, tăng 50% so với 2014, cao nhất trong lịch sử 20 năm tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là con số kỷ lục của thị trường xe sang Việt. C-class vẫn là dòng xe mang về doanh số cao nhất với hơn 1.500 chiếc tới tay khách, tốc độ tăng 256%, bên cạnh những E-class và S-class.
Lexus với sự xuất hiện của showroom thứ hai tại Hà Nội cùng những dòng xe mới như NX200t, Lexus LX và ES mới, doanh số tăng mạnh lên mức 961, tức cao hơn năm ngoái khoảng 600. Các hãng xe sang khác như Porsche, BMW, Audi hay Land Rover đều ghi nhận tăng trưởng dương.
Với những biến động về thuế nhập khẩu cũng như điều chỉnh thuế TTĐB và những loại thuế, phí khác, 2016 sẽ là một năm biến động về giá xe cũng như doanh số. Cũng bởi lo ngại những thay đổi quá nhanh của chính sách ảnh hưởng xấu tới hoạt động bán xe, các nhà kinh doanh xe nhập khẩu đã kiến nghị lên Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian hiệu lực của thông tư thay đổi mức thuế TTĐB cũng như cách xác định giá tính thuế TTĐB mới.
Một số chuyên gia khác còn tỏ ra lo ngại hơn cho mức tăng trưởng nóng. Giao thông Việt Nam chưa phát triển, hai thành phố đóng góp nhiều ôtô nhất là Hà Nội và TP HCM trong quá trình hoàn thiện hạ tầng giao thông. Chính phủ lo ngại lượng xe tăng nhanh gây tắc đường và kéo theo các vấn đề kinh tế xã hội khác nên có thể tăng cao hoặc áp thêm nhiều loại thuế, phí khác nhằm hạn chế ôtô.