Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Giang, Bắc Ninh đã tham dự.
Dân ca Quan họ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương chính sách bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Cùng với việc khôi phục lại không gian diễn xướng của các làng Quan họ gốc, phát triển các làng Quan họ thực hành, thành lập nhiều câu lạc bộ Quan họ, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, câu lạc bộ Dân ca Quan họ; nghệ nhân, nghệ sĩ Dân ca Quan họ Bắc Ninh…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 44 làng Quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành, gần 400 câu lạc bộ Dân ca Quan họ, với hàng chục nghìn người ở các độ tuổi tham gia; trong đó có hơn 600 người có khả năng truyền dạy. Trên phạm vi cả nước và ở nước ngoài đã có hàng trăm câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên. Điều đó cho thấy, Dân ca Quan họ Bắc Ninh càng “Danh thơm nức tiếng” và có sự lan tỏa mạnh mẽ.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, có được thành quả hôm nay, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, sự phối hợp giúp đỡ của các tỉnh, thành phố..., còn có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể, cả hệ thống chính trị trong tỉnh, cộng đồng các làng Quan họ; công tác tham vấn, đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước, của những chuyên gia nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh và đặc biệt là vai trò to lớn của các nghệ nhân Dân ca Quan họ - những “Báu vật nhân văn sống” đã thực hiện tốt sứ mệnh bảo tồn, truyền dạy, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa độc nhất vô nhị của quê hương Kinh Bắc.
Phát triển các không gian diễn xướng, mở rộng môi trường thực hành di sản
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Trước xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, sự du nhập, giao thoa với nhiều nền văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh đặt trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, mối quan tâm của người dân, nhất là giới trẻ đối với văn hóa nghệ thuật truyền thống bị mai một; đội ngũ nghệ nhân Quan họ cổ tuổi ngày càng cao, trong khi lớp nghệ nhân kế tiếp chưa nhiều; một số chính sách hỗ trợ các tập thể, cá nhân tham gia thực hành nghệ thuật truyền thống hay phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế chưa theo kịp thực tiễn...
Nhấn mạnh, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, có các chủ trương, chính sách để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Phó Chủ tịch Quốc hội mong các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiếp tục dành sự quan tâm xứng đáng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Trong đó, tỉnh cần chú trọng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách có liên quan, nhất là chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân quan họ, nhất là những nghệ nhân tuổi cao sức yếu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng các hình thức truyền dạy cho thế hệ trẻ, xây dựng lớp nghệ nhân kế cận; duy trì hoạt động của các câu lạc bộ Quan họ măng non, phát huy vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân, liền anh, liền chị trong việc trao truyền và duy trì các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lan tỏa không gian Quan họ tới học sinh, sinh viên, trong cán bộ, công chức, người lao động và các đội văn nghệ cơ sở.
Để làm được điều đó, đòi hỏi tỉnh Bắc Ninh cần có nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, phát triển các không gian diễn xướng, mở rộng môi trường thực hành di sản để các nghệ nhân và người yêu thích Dân ca Quan họ có cơ hội thể hiện và phát triển tài năng. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích và trân trọng những thể nghiệm mới, các sáng tạo nghệ thuật mang âm hưởng dân ca Quan họ phù hợp nhịp sống hiện đại, tăng thêm sức lan tỏa cũng như góp phần tạo sức sống mới cho Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế, xu hướng toàn cầu hóa; đẩy mạnh hợp tác, tổ chức các hoạt động văn hóa, giao lưu nghệ thuật ở trong nước và quốc tế để thúc đẩy sự phát triển của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.