Việc triển khai chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số đã được Bộ Tài chính quan tâm và tích cực triển khai thực hiện. Đến nay sau hơn 2 năm triển khai,ànhTàichínhTínhiệutíchcựctừtriểnkhaichínhphủđiệntửgiá kèo bóng đá Bộ Tài chính đã đạt được một số kết quả tích cực trong xây dựng nền tảng phát triển chính phủ điện tử, cũng như tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Khẩn trương xây dựng nền tảng phát triển chính phủ điện tử
Theo đại diện lãnh đạo Cục Tin học và Thống kê tài chính (TH&TKTC) – Bộ Tài chính, các nền tảng phát triển chính phủ điện tử/chính phủ số được quan tâm và tích cực triển khai thực hiện. Bộ Tài chính đang thực hiện các thủ tục xây dựng nền tảng điện toán đám mây ngành Tài chính và trong tương lai sẽ tích hợp với điện toán đám mây của Chính phủ.
Việc thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính đã được thực hiện từ rất sớm (bắt đầu từ năm 2007) và ngày càng mở rộng về số lượng đơn vị tham gia kết nối, chia sẻ; tần suất kết nối, chia sẻ; loại dữ liệu chia sẻ.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Cục TH&TKTC, hiện nay, Bộ Tài chính đã và đang xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành theo Đề án xây dựng CSDL quốc gia về Tài chính. Trong đó, 6 CSDL chuyên ngành đã được sử dụng và hiện đang tổ chức nâng cấp hoàn thiện, gồm: CSDL quản lý nợ công; CSDL quản lý tài sản công; CSDL quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp; CSDL danh mục điện tử dùng chung ngành Tài chính; CSDL quản lý dự trữ nhà nước; CSDL chuyên ngành quản lý bảo hiểm (dự kiến hầu hết các CSDL trong năm 2021 sẽ hoàn thành triển khai giai đoạn 1 CSDL quốc gia về tài chính).
Đặc biệt, đã có 6 CSDL chuyên ngành hoàn thành xây dựng, đưa vào triển khai và phát huy hiệu quả nhất định, gồm: CSDL quản lý kho bạc; CSDL quản lý hải quan; CSDL quản lý thuế; CSDL quản lý chứng khoán; CSDL quản lý giá; CSDL quản lý thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN).
Theo ông Bùi Tiến Sỹ - Trưởng phòng Thống kê, Cục TH&TKTC, các CSDL chuyên ngành áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời được xây dựng trên nền tảng dữ liệu mở nhằm thực hiện công khai thông tin, dữ liệu về tài chính, ngân sách cho người dân và doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ truy vấn dữ liệu theo yêu cầu người sử dụng; thúc đẩy việc giám sát của người dân trong quản lý, điều hành tài chính - ngân sách của Chính phủ.
Vượt 21% mức chỉ tiêu tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tích hợp thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), thời gian qua, Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành tiên phong trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp; đóng góp tích cực vào xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát xây dựng lộ trình chi tiết triển khai, khẩn trương tích hợp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) lên Cổng DVCQG. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính (TTHC) và cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác trên CSDL quốc gia về thủ tục hành chính, mã hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, thực hiện, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính...
Theo Cục TH&TKTC, tính đến ngày 1/3/2021, tổng số TTHC và DVCTT của Bộ Tài chính là 968, trong đó: số DVCTT mức độ 1 là 100 (tỷ lệ 10,33%); số DVCTT mức độ 2 là 287 (tỷ lệ 29,65%); số DVCTT mức độ 3 là 70 (tỷ lệ 7,23%); số DVCTT mức độ 4 là 511 (tỷ lệ 52,79%). Tổng số DVCTT mức độ 3, 4 là 581 (tỷ lệ 60%).
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp lên Cổng DVCQG 296/581 DVCTT mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 50,95%). Trong đó: Tổng cục Thuế 150 DVCTT, Tổng cục Hải quan 72 DVCTT, Ủy ban Chứng khoán 11 DVCTT, Kho bạc Nhà nước 7 DVCTT, cơ quan Bộ Tài chính 56 DVCTT (tăng 27 DVCTT so với yêu cầu của VPCP và vượt 21% so với quy định tại Nghị quyết số 01 năm 2020 và Nghị quyết số 17 năm 2019 của Chính phủ).
Dịch vụ công thứ 1.000 cung cấp trên Cổng DVCQG được công bố ngày 19/8/2020 là dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô xe máy. Để cung cấp dịch vụ công này, ngành Tài chính đã nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tích hợp hệ thống quản lý thuế với hệ thống cổng thông tin dịch vụ quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành cung cấp bộ câu hỏi - trả lời trong giải quyết thủ tục hành chính để tích hợp lên Cổng DVCQG.
Ngoài ra, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, từ ngày 12/5/2020, Bộ Tài chính đã cung cấp thêm 2 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19: Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân.
Với tài khoản đăng nhập trên Cổng DVCQG, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện được tất cả các DVCTT và theo dõi quá trình hoàn thành thủ tục hành chính mà không cần phụ thuộc vào thời gian, địa điểm.
Hiện nay, toàn ngành Tài chính có khoảng 31 kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị: 17 kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Tài chính với các đơn vị ngoài ngành và 14 kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Tài chính với nhau. Các đơn vị trong ngành (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã và đang triển khai xây dựng Trục tích hợp phục vụ trao đổi thông tin trong nội bộ hệ thống và giữa hệ thống với các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính. |
Đức Minh