Với mong muốn chia sẻ khó khăn,ếpsứcnhữngđichntậtnguyềket qua daegu giúp đỡ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, các cấp, các ngành, mạnh thường quân đã có những việc làm thiết thực, giúp người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn. Những chiếc xe lăn, xe lắc được trao tặng, giúp người khuyết tật thuận lợi hơn trong cuộc sống. Nhìn đôi tay còn nhiều vết chai sạn, kết quả của sự di chuyển chủ yếu dựa vào đôi tay trong một thời gian dài, mới thấy chiếc xe lắc mà ông Đặng Văn Hoài, ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, được Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh vận động hỗ trợ làm phương tiện đi lại quý giá đến chừng nào. Giờ đây, ông Hoài lạc quan hơn trong cuộc sống. Ông Hoài chia sẻ: “Nhờ được hội hỗ trợ chiếc xe lắc, tôi có thể đi xa, di chuyển dễ dàng hơn. Nếu như trước đây, tôi chỉ biết giăng lưới kiếm cá đỡ đần vợ con, mấy năm nay tôi có thể đi bán vé số, mỗi ngày kiếm được trên 100.000 đồng, lo cuộc sống gia đình”. Dù bản thân bị khuyết tật, nhưng bản thân ông luôn cố gắng, để tránh làm gánh nặng cho vợ con và xã hội. Chính vì vậy, ông được nhiều người ở địa phương cảm mến, bởi ý chí, nghị lực vượt khó. Từ ngày có chiếc xe lắc, cứ tờ mờ sáng là ông đi bán vé số đến chiều tối mới về. Theo lời ông Hoài, khi mới sinh ra ông cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, rồi không may mắc phải căn bệnh sốt bại liệt - căn bệnh đã để lại di chứng trên đôi chân của ông. Từ đó, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, khiến ông luôn mặc cảm, tự ti. Nhìn bạn bè cùng trang lứa chạy nhảy, chơi đùa, ông chỉ ngồi co ro, nhìn dõi theo. Vì vậy, khi lớn lên ông quyết tâm phải cố gắng để có thể lo cho bản thân và gia đình. Ông Hoài cho biết: “Được mọi người quan tâm, động viên, dù còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu vươn lên, để tàn nhưng không phế”. Tặng xe lăn, xe lắc cho các đối tượng khuyết tật được xem là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Đa phần người khuyết tật khi nhận được sự hỗ trợ đều tìm được niềm vui, vì có thể tự lao động kiếm thêm thu nhập nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Ông Khưu Quốc Toàn, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật từ nhỏ, đi lại rất khó khăn, chủ yếu sống dựa vào sự giúp đỡ của gia đình. Rồi được Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh vận động hỗ trợ chiếc xe lắc làm phương tiện đi lại để bán vé số, cuộc sống của tôi không còn nhàm chán nữa. Một ngày chịu khó đi bán ở các quán ăn, quán cà phê... tôi kiếm được vài chục đến trăm nghìn đồng”. Toàn tỉnh hiện có trên 13.000 người khuyết tật, mỗi người là một câu chuyện riêng, đa phần đều khó khăn. Điều đáng quý ở họ là tinh thần vượt khó, vượt lên chính mình, để cải thiện cuộc sống. Với tinh thần “Tương thân tương ái”, công tác chăm lo người khuyết tật đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội ở khắp nơi. Ngày càng có nhiều người tham gia đóng góp công sức, tiền của cho các hoạt động giúp đỡ người khuyết tật. Chính sự sẻ chia ấy đã nâng bước nhiều đối tượng yếu thế, giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Theo ông Huỳnh Thành Chiến, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh, nhằm chia sẻ nỗi bất hạnh và động viên, khơi dậy tinh thần lao động, giúp người khuyết tật có ý thức “tàn nhưng không phế”, hội đã tích cực vận động nhiều nguồn tài trợ, tạo điều kiện giúp họ làm ăn vươn lên trong cuộc sống. “Nhìn thấy người khuyết tật có thể đi lại lao động và có những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống, chúng tôi càng thấy ý nghĩa những việc mình đã và đang làm. Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, xã hội về các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo. Đồng thời, tích cực vận động xã hội hóa, để chăm lo, giúp đỡ những đối tượng yếu thế. Tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích người khuyết tật vươn lên, hòa nhập cộng đồng”, ông Chiến cho biết.
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU |