Dự kiến hết tháng 6, giải ngân mới đạt hơn 29% kế hoạch Về tình hình giải ngân, tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 (không bao gồm 16.000 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao) là hơn 584 nghìn tỷ đồng (gồm: kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2021 là hơn 74 nghìn tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2021 là hơn 510 nghìn tỷ đồng). Về giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2021, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 10/6/2021 là hơn 17.188 tỷ đồng, đạt 23,18% kế hoạch. Ước thanh toán từ đầu năm đến 30/6/2021 là hơn 19.528 tỷ đồng, đạt 26,34% kế hoạch. Cũng theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn kế hoạch năm 2021, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 10/6/2021 là hơn 117.223 tỷ đồng, đạt 22,27% kế hoạch (hơn 510 nghìn tỷ đồng) và đạt 25,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng, không bao gồm số địa phương phân bổ tăng 49.078 tỷ đồng). Trong đó: Vốn trong nước là 114.864,43 tỷ đồng (đạt 25,03% kế hoạch giao là 458.828 tỷ đồng), vốn nước ngoài là 2.359,54 tỷ đồng (đạt 4,58 % kế hoạch giao là 51.550 tỷ đồng). Với số vốn kế hoạch năm 2021 này, ước thanh toán từ đầu năm đến 30/6/2021 là hơn 133.890 tỷ đồng, đạt 26,23% kế hoạch (hơn 510 nghìn tỷ đồng) và đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng, không bao gồm số địa phương phân bổ tăng). Trong đó, vốn trong nước đạt hơn 28% kế hoạch, vốn nước ngoài mới đạt hơn 7,3%. Bộ Tài chính nhận định, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2021 (29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (33,04%). Trong đó vốn trong nước đạt 31,75% (cùng kỳ năm 2020 là 36,33%), vốn nước ngoài đạt 7,37% (cùng kỳ năm 2020 đạt 10,48%). Đã nửa năm, nhưng mới có 9 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30% kế hoạch, trong đó, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Hưng Yên (54%), Nam Định (53,75%), Thanh Hóa (57,92%), Kiểm toán Nhà nước (51,72%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (47,03%). Còn lại, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Có 37/50 bộ và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 9 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn. Phải có chương trình hành động đẩy nhanh tiến độ giải ngân Qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương 5 tháng đầu năm 2021, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đến nay còn chậm. Ngoài nguyên nhân do các tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung vào giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 được phép kéo dài, chuyển nguồn thì còn do nhiều nguyên nhân như: chậm triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư; khó khăn trong công tác đấu thầu; vướng mắc trong công tác thi công. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương để rà soát các vướng mắc, đặc biệt là các vướng mắc trong quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để báo cáo Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Đối với Bộ Công thương, Bộ Tài chính đề nghị rà soát, nghiên cứu, đánh giá để áp dụng mức thuế chống bán phá giá ở mức thấp hoặc không áp thuế đối với các mặt hàng này. Hiện nay, Việt Nam đang đang áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng tôn màu, sắt thép với một số quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan), với mức thuế suất thuế chống bán phá giá từ 2,56% - 38,34%. Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ triển khai các dự án. Trong thẩm quyền được giao, chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 để tập trung bố trí vốn cho các dự án có khả năng giải ngân. Đồng thời, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp không sử dụng hết số vốn kế hoạch đã được giao. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, không để việc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án. Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng và có chương trình hành động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao quản lý, với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, như: đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Trong chương trình hành động này, các bộ, ngành, địa phương cần thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu; có biện pháp quyết liệt kiểm soát giá vật liệu xây dựng, hạn chế tối đa tình trạng thao túng giá, gây ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án đầu tư công. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương chủ động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công./. Minh Anh |