Đông về lượng nhưng yếu về chất Theo kết quả nghiên cứu của Vietnam Report, hiện nay, ở Việt Nam có khoảng trên 4.000 công ty Vận tải và Logistics cung cấp dịch vụ đa dạng và toàn diện từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán…; trong đó 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp nước ngoài, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Vận tải và Logistics Việt còn thấp so với doanh nghiệp FDI. Số lượng doanh nghiệp FDI ít hơn nhưng chiếm tới 70%- 80% thị phần. Dịch vụ chủ yếu mà các doanh nghiệp kinh doanh logistics Việt cung ứng cho khách hàng là các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài như dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho... Còn các dịch vụ khác trong chuỗi dịch vụ logistics chủ yếu do các DN FDI đảm nhận, DN Việt có cung ứng nhưng số lượng không nhiều và chưa được quan tâm phát triển.
Nguyên nhân được chỉ ra nhiều, bao gồm cả những yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Đó là cơ sở hạ tầng còn yếu kém; Thiếu hụt nguồn lao động được đào tạo chuyên sâu về Vận tải và Logistics; Thể chế, chính sách với ngành còn nhiều bất cập; Thủ tục hành chính phức tạp; Chi phí logistics cao. Tuy nhiên, yếu tố được đánh giá có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động của doanh nghiệp là chất lượng nguồn nhân lực và khả năng quản trị doanh nghiệp chưa cao khiến cho chi phí dịch vụ của các doanh nghiệp Vận tải và Logistics Việt cao, chất lượng một số dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng đều. Dư địa phát triển còn nhiều Theo công bố năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39/160, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016, với điểm số LPI (Logistics performance index - chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể ở tất cả các chỉ số, đặc biệt là nhóm năng lực và chất lượng dịch vụ, từ 2,88 điểm lên 3,4 điểm. Kết quả này đạt được nhờ những nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống hạ tầng. Bên cạnh đó, Chính phủ có nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngành Vận tải và logistics phát triển; nhiều Hiệp định thương mại được ký kết; sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hóa; cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện…là những tiền đề quan trọng để ngành Vận tải và logistics phát triển. Ngoài ra, ngành Vận tải và Logistics cũng có thêm nhiều cơ hội mở ra từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khi nhiều công ty Trung Quốc chuyển nhà máy sang Việt Nam và Đông Nam Á. Có tới gần 91% các doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng mức tăng trưởng của ngành trong năm 2020 sẽ trên 10%, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định mức tăng trưởng đạt 14% - 16%, theo chỉ số trung bình của những năm gần đây. Doanh nghiệp logistics cần nâng chất lượng dịch vụ
Kết quả nghiên cứu của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, ngành Vận tải và Logistics của Việt Nam với tiềm năng phát triển lớn hoàn toàn có thể tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới. Tuy nhiên, để tham gia được sâu, 72,73% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng cần ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, xây dựng chính sách giá cả cạnh tranh bởi xu thế hiện nay các nước phát triển đang từng bước thực hiện E-Logistics, green logisitics, E-Documents... và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo hay robot vào thực hiện một số dịch vụ, như dịch vụ đóng hàng vào container hay dỡ hàng khỏi container, xếp dỡ hàng hóa trong kho, bãi... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao độ tin cậy (63,63%), sự đúng hạn của các lô hàng khi tới điểm đích (45,45%), độ đáp ứng (45,45%), chính sách hỗ trợ khách hàng và xây dựng thương hiệu (36,36%), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (18,18%). Ngoài ra, xu hướng mua sắm trực tuyến đang mở cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Vận tải và Logistics Việt. Sự gia tăng mạnh của số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử (đạt 8 tỷ USD năm 2018, tăng 30% so với năm 2017 và dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng cao trong nhiều năm tới, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020) cùng với nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao đang tạo dư địa phát triển cho các công ty dịch vụ chuyển phát với tần suất giao hàng nhỏ lẻ lớn và độ phủ dịch vụ rộng khắp các tỉnh thành, đồng thời gia tăng nhu cầu thuê mặt bằng lưu giữ, phân loại hàng hóa, hoàn tất đơn hàng…. Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu thế, xây dựng và đầu tư hệ thống kho, trung tâm logistics với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối… một cách chuyên nghiệp theo hướng hiện đại với chất lượng cao. Tính đến đầu năm 2019, trên toàn quốc có 6 trung tâm logistics lớn được khởi công xây dựng và đưa vào vận hành. Tóm lại, nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, quy mô thị trường dịch vụ logistics theo đó cũng ngày càng mở rộng, đem đến nhiều cơ hội phát triển cũng như những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của các doanh nghiệp logistics Việt. Các doanh nghiệp cần có giải pháp hiện đại hóa phương thức hoạt động, nâng cấp chất lượng dịch vụ, trình độ nhân lực, năng lực tài chính... từ đó định vị rõ hơn hướng đi của mình. |