Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Phan Thu. Dễ vướng vòng lao lý
Tại cuộc tọa đàm về sở hữu trí tuệ trong TPP ngày 23-3, ông Khánh cho biết, quy định quyền sở hữu trí tuệ trong TPP không khác xa so với Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ). Theo đó, tất cả những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong TRIPS được giữ nguyên, chỉ có một số đối tượng mở rộng phạm vi.
Ví dụ, sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chúng ta đang bảo hộ nhãn hiệu nhìn thấy được dưới dạng tập hợp chữ hoặc hình. Tuy nhiên, sau khi TPP có hiệu lực thì chúng ta sẽ phải bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, tức là sử dụng một đoạn nhạc, đoạn âm thanh như dấu hiệu bảo hộ nhãn hiệu. Thậm chí, chúng ta còn phải nỗ lực bảo hộ sở hữu trí tuệ với cả mùi hương.
Về vấn đề này, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, làm được những điều này không dễ nhưng Việt Nam cũng phải nỗ lực. Có những vấn đề bảo hộ như nhãn hiệu về vị, tuy không được đặt ra trong quy định cuối của TPP nhưng cũng hết sức khó, vì nó có tính cảm quan lớn.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, vấn đề thực thi trong TPP yêu cầu các nước phải nâng lên một bước cao hơn, trong đó đối với nhãn hiệu, quyền tác giả phải bảo vệ thực thi quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu trong môi trường số tương tự như trong môi trường hành chính; đồng thời đẩy những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiển nhiên như giả mạo thương hiệu, sao lậu bản quyền tác giả… bắt buộc phải xử lý bằng hình sự.
TPP cũng khuyến cáo các nước cố gắng xây dựng hệ thống dân sự để xử lý tranh chấp trong quyền sở hữu trí tuệ thay vì hiện nay chúng ta đang xử lý bằng hành chính. TPP không bắt chúng ta phải từ bỏ biện pháp hành chính như hiện nay nhưng TPP yêu cầu chúng ta phải đưa những thủ tục có ở trong các biện pháp dân sự vào trong biện pháp hành chính để xử lý”, ông Khánh nói.
Ông Lâm bổ sung thêm: “Cần phải nêu yêu cầu của TPP rất xác đáng để doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia quá trình kinh doanh sử dụng môi trường số, internet để chào bán sản phẩm, quảng cáo. Rất nhiều tình huống doanh nghiệp cố tình sử dụng nhãn hiệu của người khác hoặc chào bán xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu những quy định của TPP mà doanh nghiệp không rút ra kinh nghiệm, từ bỏ các hành vi đó thì sẽ vướng vào vòng lao lý. Khi đó biện pháp xử lý hình sự trong TPP sẽ được áp dụng”.
Phân tích rõ hơn, ông Khánh cho biết, trước đây chúng ta đã từng xử lý hình sự vấn đề sao chép một tác phẩm khi người sao chép có mục đích thương mại, vi phạm xảy ra ở quy mô lớn. Nhưng hiện nay, dưới sự phát triển của internet, đôi khi người vi phạm không có mục đích thương mại (như xem được một bộ phim tình cờ sao chép để chia sẻ trên internet) nhưng hành động này tình cờ gây thiệt hại cực kỳ lớn cho chủ sở hữu.
Do vậy, TPP đã thực hiện một việc rất đúng là kể cả khi không có động cơ thương mại, vô tình gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là vấn đề mà trước đây chúng ta mới chỉ xử lý hành chính.
Quan trọng là thực thi
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là cần phải làm gì để người dân, doanh nghiệp tuân thủ các cam kết trong TPP về sở hữu trí tuệ bởi lẽ hiện nay tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn khá phổ biến?
Trả lời cho câu hỏi này, vị đại diện của Bộ Công Thương nhấn mạnh đến 2 vấn đề là xây dựng khung khổ pháp lý và vấn đề thực thi.
Trên thực tế, việc xây dựng pháp luật không khó. Sắp tới, Chính phủ cũng như các bộ, ngành khác có lộ trình xây dựng pháp luật để trình Quốc hội thông qua và chúng ta có thời gian để thích nghi.
Việc quan trọng nhất hiện nay là vấn đề phải tăng cường năng lực thực thi. Chúng ta không bắt đầu từ con số 0 và luật pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tương đối đầy đủ nhưng năng lực thực thi hiện nay chúng ta đang có vấn đề.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lâm cho hay, năng lực của cơ quan này không đủ đáp ứng nhu cầu đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đang tăng nhanh trong xã hội
Nguyên nhân là do hệ thống cơ quan thực thi pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện còn yếu và thiếu. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này cũng mỏng và yếu; thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà…
Ví dụ, chúng ta chưa có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ nhưng nhiều trường hợp tranh chấp giữa các doanh nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… không có tòa chuyên ngành thụ lý, giải quyết. Tòa dân sự lại không có các thẩm phán chuyên trách về sở hữu trí tuệ nên chưa xử được các vụ tranh chấp này.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ có kiến nghị để tăng cường nguồn lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ”, ông Lâm nói.
|