Sụt giảm do giãn cách Tại buổi gặp gỡ các chuyên gia phân tích mới đây, lãnh đạo Công ty CP Nhựa Bình Minh đã thông tin, sản lượng tiêu thụ trong tháng 7 đã giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 5.013 tấn. Sự sụt giảm này khiến Nhựa Bình Minh lỗ 3,7 tỷ đồng trong tháng 7 và là khoản lỗ đầu tiên trong lịch sử của công ty. Bước sang tháng 8, sản lượng ghi nhận trong hai tuần đầu tháng là 664 tấn và công ty ước tính sản lượng cả tháng chỉ đạt 1.400 tấn - thấp hơn 80% so với kế hoạch tháng. Vì phần lớn các sản phẩm của Nhựa Bình Minh được bán ở miền Nam nên sản lượng của công ty chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách giãn cách xã hội sớm nhất đến giữa tháng 9. Do đó, công suất hiện tại của Nhựa Bình Minh chỉ ở mức khoảng 15-20%. Trong số các nhà máy ở miền Nam, chỉ có nhà máy Long An đang hoạt động với công suất bình thường, trong khi nhà máy đặt trụ sở ở TPHCM đã tạm đóng cửa, nhà máy Bình Dương chủ yếu duy trì hoạt động bán hàng. Chỉ 20% nhân viên của công ty tiếp tục làm việc tại chỗ, trong khi khoảng 75% nhân viên của công ty tạm thời không làm việc và nhận mức lương tối thiểu cộng với phụ cấp hỗ trợ. Sau những tháng hồi phục tích cực, kết quả kinh doanh tháng 7/2021 của một số doanh nghiệp dệt may cũng bắt đầu cho thấy sự đi xuống. Cụ thể, doanh thu tháng 7 của Công ty CP Đầu tư thương mại Thành Công (TCM) giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 14,5 triệu USD; lợi nhuận sau thuế thậm chí còn giảm tới 47%, ở mức chỉ 672.933 USD. So với tháng 6/2021, kết quả này của TCM tăng 7% về doanh thu nhưng giảm 29% về lợi nhuận. TCM cho biết, lợi nhuận giảm do năm nay không có đơn hàng khẩu trang cộng thêm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công nhân làm việc giãn cách, năng suất không cao nên biên lợi nhuận gộp mảng may giảm so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tháng 7/2021 của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cũng giảm gần 2% so với cùng kỳ năm 2020, ở mức 596 tỷ đồng; lãi ròng ghi nhận ở mức 29,5 tỷ đồng, giảm 3%. So với tháng trước, doanh thu sụt giảm khoảng 4%. Tại Công ty CP Đầu tư Thế giới di động, gần 2.000 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh (chiếm khoảng 70% tổng số điểm bán trên toàn quốc) đã phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trong nửa cuối tháng 7/2021, gây ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh doanh của công ty. Theo đó, lợi nhuận ròng tháng 7/2021 giảm tới 29% so với cùng kỳ năm trước. Công ty dự báo kết quả kinh doanh tháng 8/2021 sẽ đạt thấp do việc siết chặt giãn cách xã hội ở nhiều địa phương. Thậm chí, nếu giãn cách tiếp tục kéo dài trong các tháng cuối năm, công ty sẽ khó thực hiện được kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Trong khi đó, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) thậm chí còn lỗ 32 tỷ đồng trong tháng 7/2021. PNJ cho biết, 274 cửa hàng, tương đương 81% tổng lượng của hàng của hệ thống đã tạm đóng cửa tính đến cuối tháng 7 để thực hiện việc giãn cách xã hội. Kế hoạch đi lùi Bên cạnh những DN có kết quả kinh doanh sụt giảm như trên, một số DN khác cũng lường trước những khó khăn nên đã lên kế hoạch kinh doanh quý 3 sụt giảm. Điển hình, HĐQT Công ty CP Bột giặt Lix (Lixco) vừa ban hành nghị quyết thông qua chỉ tiêu doanh thu quý 3/2021 là 548 tỷ đồng, giảm gần 18% so với quý 2/2021 và giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cũng được đặt ra ở mức 30 tỷ đồng, giảm 40% so với quý 2/2021 và giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, kết quả kinh doanh của Lixco cũng bị sụt giảm trong nửa đầu năm nay với doanh thu đạt 1.355 tỷ đồng, giảm 14%; lãi sau thuế 84 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Ở mảng xuất khẩu, sản lượng tại thị trường Campuchia giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, (riêng nhãn Lix giảm 37%). Các nhà nhập khẩu tạm dừng nhập hàng do Chính phủ Campuchia thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt (như đóng cửa Thủ đô PhnomPenh, đóng cửa các khu chợ dân sinh) để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh. Sản lượng tiêu thụ tại Philippines cũng giảm 16%. Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và liên tục trong quý 1 và 2/2021 cùng với chi phí vận chuyển tăng mạnh làm cho sản phẩm của công ty giảm sức cạnh tranh về giá so với sản phẩm nội địa của nước nhập khẩu. Lixco cũng cho biết, tình hình logistics toàn cầu vẫn còn khó khăn, thiếu hụt container rỗng, hãng tàu bỏ chuyến và cước tàu tăng cao từ 3-2 lần so với năm 2020. Do vậy, dù có đơn hàng từ các thị trường Yemen, Sudan, Úc, Caribe, Trung Đông… nhưng công ty không xuất khẩu được theo kế hoạch. Với ngành cảng biển, sau khi đạt mức lợi nhuận ấn tượng trong nửa đầu năm 2021, HĐQT Công ty CP Đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ cũng lên kế hoạch đi lùi trong quý 3/2021. Cụ thể, chỉ tiêu sản lượng dự kiến đạt 150.000 TEU, giảm 8% so với quý 2/2021; doanh thu giảm 15,6%, ở mức 150 tỷ đồng; lãi trước thuế giảm 41%, ở mức 60 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, kế hoạch này vẫn tăng 5,6% về doanh thu nhưng lợi nhuận lại giảm 8%. Trong báo cáo triển vọng ngành vừa phát hành, Công ty Chứng khoán Rồng Việt ước tính các ngành kinh tế đang hoạt động dưới 50% công suất. Với các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch đang được áp dụng tại nhiều địa phương, có ít nhất 70% nhà máy sản xuất ở miền Nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa. Ngoài ra, các nhà máy hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” phải chịu chi phí vận hành rất lớn và phải giảm 40-50% công suất. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt hiện đang mang đến nhiều rủi ro gián đoạn đối với hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất. Cụ thể, chi phí hoạt động gia tăng và thời gian để tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa kéo dài. Hay sự chậm trễ của vận tải hàng hóa đường bộ và đóng cửa nhà máy sản xuất cũng gây áp lực lớn lên hoạt động của các cảng hàng hóa. |